Tùng Phan cổ thành – Du lịch Cửu Trại Câu (2024)

Tùng Phan cổ thành – cái tên có lẽ còn khá xa lạ với nhiều khách Việt Nam đi Tour Trung Quốc nói chung và Tour Cửu Trại Câu riêng. Vậy Tùng Phan cổ thành, hay Tùng Phan cổ trấn ở đâu, có gì khám phá ở đây hay đi như nào? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, các bạn cùng xem nhé!

Tùng Phan cổ thành ở đâu?

tùng phan cổ thành
Tùng Phan Cổ Thành

Tùng Phan cổ thành hay Tùng Phan cổ trấn (tiếng Trung: 松潘古城, tiếng Anh: Songpan Ancient Town) là một thành cổ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên, là thị trấn biên giới, cứ điểm chiến lược và trung tâm thương mại quan trọng giữa Tứ Xuyên, Cam Túc và Thanh Hải xưa kia. Hiện nay, Tùng Phan cổ trấn là trung tâm du lịch trong tour Cửu Trại Câu, từ đây bạn có thể rẽ đi Cửu Trại Câu, khu thắng cảnh Hoàng Long và Đại thảo nguyên Nhược Nhĩ Cái (Ruoergai/ Zoige Grassland) và nhiều danh lam thắng cảnh khách. Nơi đây còn được biết đến nhiều hơn với cái tên “Thành cổ trên cao nguyên” và là một trong những Di sản lịch sử cấp Quốc gia.

Tùng Phan cổ thành xưa kia được gọi với cái tên Đại Đường Tùng Châu thành, xây dựng vào thời nhà Đường (618 – 907). Cái tên này được đặt bởi trong thành có nhiều cây thông cao chót vót. Những dấu ấn lịch sử vẫn còn in đậm ở thành cổ này, với những bức tường thành xanh xám trầm mặc, những ngôi nhà gỗ thấp  thấp san sát nhau, những con ngõ nhỏ rải rác khắp trong thành, tụ về đường chính hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và những câu cầu nhỏ có tuổi đời hàng trăm năm. Du khách đi tour Cửu Trại Câu giá rẻ đến đây, ngồi trong một quán trà, ngắm nhìn dòng nước chảy dưới chân cầu, cổng thành cùng những rặng thông cao vút sẽ có cảm giác thư thái, như trở về lại những năm tháng xưa cũ.

 

Tùng Phan cổ thành có gì đặc sắc?

tour cửu trại câu
Lầu gác phía trên bức tường thành sừng sững ở thành cổ Tùng Phan

Bức tường thành ở Tùng Phan cổ trấn được xây vào thời nhà Minh (1368 – 1644), cao 19m, dày 30m và dài 6.2km, xây lên từ những viên gạch xanh nung ngay ở trấn. Nó được xây dựng tốt đến mức, sau bao thế kỷ vẫn sừng sững uy nghiêm, mặc cho mưa gió, chiến tranh cũng không hư hại nhiều. Bởi vậy tường thành Tùng Phan cổ trấn trở thành một trong những bức tường thành vững chắc nhất còn tồn tại ở Trung Quốc.  Mái cổng thành phía Đông, Nam và Bắc đều có hình trăng khuyết, điểm xuyết những hoa văn tráng men độc đáo, góp phần giữ lại vẻ đẹp cổ xưa cho thị trấn này. Khách du lịch Cửu Trại Câu đến đây có thể đứng từ trên lầu ở cổng thành, nhìn toàn cảnh xung quanh trấn.

 

Sự kiện lịch sử gì diễn ra ở đây?

Huyện Tùng Phan có lịch sử hơn 2300 năm thì riêng thành cổ này đã tồn tại hơn một ngàn năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng giai thoại nổi bật nhất ở thành cổ này là dấu mốc giao bang Hán – Tạng: công chúa nhà Đường kết hôn với vua Tây Tạng.

du lịch cửu trại câu
Tượng Công chúa Văn Thành và Vua Tùng Tán Cán Bố

Khách thập phương đi tour Cửu Trại Câu qua đây sẽ ấn tượng ngay với bức tượng ngay trước cổng thành cổ. Đó là tượng công chúa Văn Thành và vua Tây Tạng Tùng Tán Cán Bố (Songtsan Gampo). Người xưa kể rằng, nhà Đường và Thổ Phồn (cách người Trung Quốc xưa gọi Tây Tạng) từng xảy ra chiến tranh, quân Tây Tạng đã tiến tới Tùng Châu (nay là Tùng Phan). Sau chiến dịch chinh phạt Thổ Phồn của Đường Thái Tông trong giai đoạn 635 – 638, người Tây Tạng thua, rút quân về nước. Sau đó vua Tùng Tán Cán Bố đã phái sứ giả sang nhà Đường để tái thiết lại quan hệ 2 nước. Hoàng đế nhà Đường chấp nhận đề nghị và gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Cán Bố, như một phần của việc ký kết hòa ước giao hảo Hán – Tạng. Cũng từ đó, người ta cho chính công chúa là người đưa Phật Giáo vào Tây Tạng.

Tùng Châu này chính là nơi vua Tây Tạng đã đón công chúa về nước.

 

Các dân tộc và đặc sản ở Tùng Phan cổ thành

Lầu Trù Biên, miếu Thành Hoàng, chùa Đại Bi, chùa Thanh Chân và nhà thờ Hồi giáo là những tòa kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, văn hóa lâu đời và phong phú nhất ở Tùng Phan cổ thành. Thành cổ đa sắc tộc này có các nhóm dân tộc Tây Tạng, Khương, Hồi, Hán giao thoa văn hóa, kết nối lẫn nhau, tạo thành dấu ấn địa phương đặc sắc. Đi trên phố du khách sẽ nhìn thấy những người mặc đồ Tây Tạng, quần áo tộc Khương và Hồi, sẽ thấy háo hức khi nhìn thấy những đồ trang trí Tây Tạng, nấm địa phương, bò yak sấy khô, túi yên ngựa và rất nhiều đặc sản địa phương phong phú khác.

tùng phan cửu trại câu
Thịt bò yak sấy khô - đặc sản Tùng Phan

Quảng trường Dật Tình, quảng trường Tùng Châu, quảng trường Đại Đường Tùng Châu và quảng trường Cổ Vận, 4 quảng trường ở Tùng Phan cổ thành, mỗi nơi có một bản sắc riêng không đâu lẫn được. Đến đây, thưởng thức một bài dân ca Tây Tạng, xem một điệu nhảy Oa Trang, khách đi tour du lịch Cửu Trại Câu sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình, hiếu khách và bản sắc dân tộc ở trấn cổ này.

 

Mùa nào nên đi Tùng Phan cổ trấn?

Do địa hình phức tạp, chênh lệch độ cao lớn nên khí hậu ở Tùng Phan khác nhau khá nhiều tùy từng khu vực. Tuy nhiên nhìn chung thì ở đây có khí hậu của cao nguyên ôn đới và khí hậu gió mùa cận nhiệt đới lạnh và ẩm. Mùa đông dài, hè ngắn, nên mùa xuân và thu khá gần nhau. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 7°C. Thời gian nắng không nhiều, thường có sương mù vào sáng và đêm. Bởi vậy khách du lịch đến đây nên mang nhiều quần áo ấm, mùa thu nên mang áo khoác mỏng. Từ khoảng tháng 4 – tháng 10 là thời gian tốt nhất. Đặc biệt, tháng 10 ở Cửu Trại Câu lá vàng lá đỏ cực đẹp, bạn có thể kết hợp tour Cửu Trại Câu vào tháng 10, kết hợp đi qua thành cổ này nhé.

tour cửu trại câu
Mùa thu ở Hồ Trúc - Cửu Trại Câu

 

Đi đến Tùng Phan cổ thành như nào?

Thành Đô là địa điểm chính để rẽ đi các tỉnh ở Tứ Xuyên. Khách đi tour Cửu Trại Câu từ Hà Nội có thể từ Hà Nội bay thẳng sang Thành Đô, hoặc đi ô tô lên cửa khẩu Hữu Nghị, sang đến Nam Ninh thì bay từ Nam Ninh sang Thành Đô. Cung đường này sẽ tiết kiệm hơn đường bay thẳng. Rồi từ Thành Đô, xe của tour sẽ đưa bạn đến thẳng cổ trấn.

Nếu bạn đi tự túc thì từ Thành Đô, bạn bắt bus ở trạm Trà Điếm Tử (Chadianzi Bus Station), đi 400km qua đập Đô Giang, Vấn Xuyên, Mậu Huyện rồi đến Tùng Phan. Giá vé vào khoảng 98 tệ. Xe khởi hành từ 7h sáng, đến Tùng Phan lúc 3h chiều, dừng tại Mậu Huyện để ăn trưa. Còn nếu thuê xe tự lái thì rơi vào khoảng 700 – 800 tệ 1 chiều.

Ngoài ra còn có xe shuttle bus từ Cửu Trại Câu đến huyện Tùng Phan, bắt đầu từ 7h20 sáng, giá vé khoảng 270 tệ, quãng đường đi dài khoảng 120km.

du lịch cửu trại câu
Xích lô ở Tùng Phan cổ thành

Ở trong thành cổ Tùng Phan thì bạn có thể thuê xe xích lô đi ngắm cảnh. Giá 1-2 tệ, hoặc 3 tệ nếu quãng đường xa hơn. Thuê xe bus nhỏ thì giá khoảng 200 tệ đến Hoàng Long hoặc Cửu Trại Câu, và 150 - 200 tệ đến Mâu Ni Câu.

 

Ăn gì ở Tùng Phan cổ trấn?

Hầu hết dân cư ở đây là người Tây Tạng nên thức ăn chính là bột lúa mạch rang, phô mai, và các loại thịt đỏ. Đồ uống thì có trà với sữa, trà bơ và sữa chua. Khách đi du lịch Cửu Trại Câu đến đây sẽ được phục vụ thịt cừu luộc và xúc xích tiết do chính các gia đình Tây Tạng ở đây làm. Du khách đến đây còn có thể mua bò Yak sấy khô về làm quà. Đây là đặc sản phổ biến nhất ở Tùng Phan.

 

Ăn ở đâu ở Tùng Phan?

Nhà hàng Ngọc Lan (Yulan - 玉兰饭店) thuộc khách sạn Cổ Thành (Gucheng - 古城宾馆) là nơi được du khách biết đến nhiều nhất. Đồ ăn ngon và giá trung bình khoảng 10 tệ/người là điểm cộng ở đây.

Các món ở Lầu Tinh Nguyệt (Xingyue Lou - 星月楼) cũng khá ngon và đặc sắc, giá đắt hơn xíu, trung bình khoảng 40 tệ/người.

Đối với du khách nước ngoài, nhà hàng Litte European sẽ là một lựa chọn hàng đầu. Dịch vụ và hương vị món ăn ở đó được khách đánh giá cực tốt. Tuy nhiên giá thì không rẻ như 2 nhà hàng trên.

Nhà hàng thịt cừu nướng Alibaba cũng là một nhà hàng ngon cho du khách lựa chọn. Sau khi đi qua tượng công chúa Văn Thành và vua Tây Tạng, đi qua cổng thành, tòa nhà thứ 7 bên tay trái chính là nhà hàng Alibaba, bước vào cửa sẽ thấy ngay một tấm vải màu đỏ treo trên tường. Đây là nhà hàng nổi tiếng nên có khá nhiều nhà hàng "nhái" mọc lên nên bạn chú ý đến đúng chỗ này nhé!

tour cửu trại câu
Tùng Phan cổ trấn về đêm

So với Lệ Giang cổ trấn hay Phượng Hoàng cổ trấn thì Tùng Phan cổ trấn có diện tích khá khiêm tốn và ít người biết đến. Với nhiều người thì đây chỉ là điểm dừng chân để rẽ đi Cửu Trại Câu. Tuy nhiên hãy thử đi chậm lại một chút, lắng nghe hương gió cao nguyên, uống một tách trà bơ Tây Tạng, cảm giác mệt mỏi của chặng đường di chuyển sẽ tan biến, giúp bạn sảng khoái, thư thái hơn đấy.

Du khách thường sẽ kết hợp tour Cửu Trại Câu để đến đây vì chỉ cần nửa ngày là bạn có thể khám phá hết thành cổ này rồi. Đi vào mùa thu để ngắm lá vàng rơi trên hồ ở Cửu Trại Câu là đẹp nhất. Bởi vậy nếu định đi vào khoảng thời gian này, bạn hãy chuẩn bị áo khoác mỏng, ghi chú lại lịch trình xe cộ nếu đi tự túc, và những điểm đáng đến xem nhất ở đây nhé! Chúc bạn có một chuyến du lịch vui vẻ!
Ngọc Thúy
Viết đánh giá
Đánh giá bài viết

12345

Ảnh đại diện
Chú ý: Chỉ chấp nhận các dịnh dạng jpg, jpeg, png và dung lượng nhỏ hơn 2Mb
Từ Hà Nội Tour Cửu Trại Câu - Lạc Sơn - Thành Đô - Trùng Khánh 2024

Tour Cửu Trại Câu - Lạc Sơn - Thành Đô - Trùng Khánh 2024

Khởi hành: Hàng tuần
Phương tiện: Máy Bay
Giá từ: 14.500.000đ
6 ngày

Xem thêm các bài viết khác

Cửu Trại Câu - Miền đất thần tiên cổ tích

Cửu Trại Câu - Miền đất thần tiên cổ tích

Cửu Trại Câu là vùng du lịch nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với nhiều địa điểm thu hút khách du lịch Trung Quốc. Ở đây có đủ những danh lam từ...