Chuyện ít biết về những người làm du lịch mùa Tết

Xu hướng du lịch Tết ngày càng trở nên phổ biến, quy luật là “có cầu ắt có cung”, nên Tết Nguyên đán lại là thời gian bận rộn với những người làm nghề du lịch. Phải ở trong nghề mới biết được hết cảm giác của những người mà trong khi ai nấy đều được trở về sum họp thì mình vẫn phải xách balo lên lại cùng du khách đi khắp đó đây trong những ngày Tết.

Tết đến xuân về là thời điểm được mong đợi nhất trong năm, sau một năm với nhiều bận bịu lo toan lại được trở về nơi quê hương bản quán, dành thời gian bên những người thân yêu. Ý nghĩa của Tết truyền thống vẫn là sự đoàn viên sum họp. Tết là thời gian nghỉ ngơi của mọi người, công sở, nhà trường hay xí nghiệp nên ai ai cũng thích Tết. Tuy nhiên có những người vẫn còn làm việc miệt mài cả trong kì nghỉ này, chắc chúng ta sẽ nghĩ ngay đến công an, quân đội, nhân viên vệ sinh hay những ngành thiết yếu như viễn thông hay y tế; nhưng bài viết hôm nay xin được chia sẻ câu chuyện của những người làm nghề du lịch cùng những suy nghĩ, tâm tư mà không phải ai cũng hiểu được.

Xu hướng du lịch Tết ngày càng trở nên phổ biến, quy luật là “có cầu ắt có cung”, nên Tết Nguyên đán lại là thời gian bận rộn với những người làm nghề du lịch. Phải ở trong nghề mới biết được hết cảm giác của những người mà trong khi ai nấy đều được trở về sum họp thì mình vẫn phải xách balo lên lại cùng du khách đi khắp đó đây trong những ngày Tết.

Chuyện ít biết về những người làm du lịch mùa Tết
Một hướng dẫn viên đang thực hiện tour Tết ở Tam Đảo

Bài hôm nay không chỉ đề cập đến nghề nghiệp điển hình như hướng dẫn viên mà còn chia sẻ cả câu chuyện của những ngành nghề dịch vụ khác cũng đóng góp rất lớn trong sự phát triển của du lịch nói chung. Chúng ta hãy cùng lắng nghe những tâm sự thật đặc biệt của những người vẫn tất bật trong thời điểm mà người người, nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm Tất niên thật ấm cúng.

Hướng dẫn viên: vui buồn năm mới

Phải đón năm mới xa quê, làm việc không nghỉ từ trước đến sau Tết (vẫn nói vui là tour xuyên Táo), không được chung vui với gia đình đêm Giao thừa, bị người yêu dỗi vì cả Tết không thấy mặt, phải ngủ trong nhà kho khách sạn… Đó chính là những cái Tết của các anh chị em hướng dẫn viên, cái nghề mà nhiều người vẫn tưởng là thoải mái, lương cao, được đi đó đi đây. Đúng là phải trải qua những cái Tết như vậy thì mới có thể thấu được hết những buồn vui, tâm tư trong nghề. Thời điểm mà mọi người quây quần bên nhau, bạn bè thì đưa nhau đi chơi mua sắm hay đặt vé tàu xe để về quê, trẻ em háo hức chờ lì xì, nhà nhà người người chuẩn bị đón Giao thừa thì mình vẫn phải đảm nhận tour, theo chân đoàn du khách trong những hành trình đầu năm. Những người mới vào nghề thì một hai năm đầu còn buồn buồn tủi tủi, dần dà thì cũng đỡ hơn, mà không tủi sao được khi không khí Tết tràn ngập khắp phố phường, trên từng gương mặt mọi người, những kỉ niệm Tết xưa khi được quây quần bên gia đình, được lì xì, đi chúc Tết, mua sắm quần áo mới… tất cả ùa về trong khoảnh khắc làm dâng lên nỗi niềm tha thiết trong lòng những con người trẻ tuổi, đặc biệt những ai mà nhà có ít người thì cảm xúc này càng mãnh liệt hơn. Có nhiều hướng dẫn viên là nữ kể cả lâu năm trong nghề lúc thấy pháo hoa Giao thừa hay một gia đình đi du lịch hạnh phúc bên nhau trong thời khắc năm mới là lại không kìm được lòng, cố tránh để không ai thấy những giọt nước đã ướt đẫm khóe mi, khẽ khàng rút điện thoại gọi về nhà để nghe tiếng bố mẹ hay là người yêu trong khoảnh khắc đầy xúc cảm đó. Các đồng nghiệp nam cũng vậy, ai cũng không khỏi chạnh lòng khi trong lúc ở quê mình muôn nhà đang sum họp thì mình vẫn đang tất bật với công việc, trong những tour ra nước ngoài đôi khi còn thấy cô đơn, lẻ loi khi một mình nơi đất khách, lúc đấy thèm lắm những câu Chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt hay chỉ một miếng bánh chưng, mấy củ dưa hành cũng là niềm khao khát,  Chỉ muốn được bay về ngay chúc Tết bố mẹ, lại được ăn Tết như ngày bé.

Chuyện ít biết về những người làm du lịch mùa Tết
Các hướng dẫn viên trẻ tuổi trong tour "Dạo quanh HồTây"

Anh Tú, hướng dẫn viên của Kỳ Nghỉ Đông Dương Travel bộc bạch: “Lúc thấy pháo hoa bắn sáng rực trời, mình cũng nhớ nhà ghê lắm, điện thoại lại còn nháy liên tục vì mọi người chúc mừng năm mới trên facebook, nhìn mấy hình emoji ngộ nghĩnh lại càng thấy buồn”. Nhiều nỗi niềm là vậy, nên không phải ai cũng đảm nhận những tour vào thời gian đặc biệt này, cứ đến Tết là các công ty lữ hành lại phải chạy ngược xuôi cố gắng sắp xếp, thỏa thuận với hướng dẫn viên để không phải hủy tour, vì Tết là thời điểm nhu cầu du lịch tăng mạnh trong khi nhiều hướng dẫn viên lại không muốn đi làm vào những ngày này. Tăng lương thưởng, có công ty tăng gấp đôi so với ngày thường, nhưng không phải ai ở lại làm việc cũng là vì đồng lương cao. Một hướng dẫn viên tự do có nick Andrei cho biết: “Cứ cuối năm là em lại được gọi đi bao nhiêu là tour, ngắn có dài có, các công ty đặt đã nhiều rồi mà bạn bè làm du lịch lại nhờ nhận thêm cho vì các bạn làm cả năm vất vả nên muốn về quê đón Tết, vì biết nhà em ở Hà Nội nên nhiều người nhờ lắm, em cũng thấy thương nên có nhận cho một số nhưng nhiều khi không thể kham hết nổi”.

Chuyện ít biết về những người làm du lịch mùa Tết
Andrei (đeo túi xách đứng ngoài cùng) cùng đoàn khách Malaysia tại Thác Bạc (Sapa)

Có người lại vì đam mê với nghề nên chấp nhận một cái Tết không trọn vẹn, nhiều khi là không có cả Tết để đồng hành cùng du khách, bởi vì dù tiền công có cao hơn nhưng hướng dẫn mùa Tết vất vả không sao kể xiết, hàng quán thì nhiều nơi đóng cửa, nhà nghỉ khách sạn luôn trong tình trạng cháy phòng, các điểm vui chơi danh thắng thì đông nghịt người nên quản lý khách rất khó khăn đặc biệt với các đoàn đông người. Tết chỉ một vài tour thì cũng không đến nỗi, khổ là cảnh vừa tiễn khách xuống xe hay máy bay thì đã phải đưa bọc quần áo cho người nhà đã chờ sẵn để đổi lấy quần áo mới, thăm hỏi vài câu, đưa ít quà rồi lại tiếp tục đến điểm hẹn để dẫn đoàn khách mới. Đó chính là ngày Tết của các hướng dẫn viên, đến khi xong xuôi thì Tết đã hết tự bao giờ. Vậy nên mới nói nếu không có đam mê lớn và nhiệt tình với nghề thì không thể ở lại lâu nhất là khi trải qua nhiều chuyến đi tour năm mới thế này,

Lễ tân dịp Tết: vẫn cứ tươi cười

Nếu như hướng dẫn viên hiếm có cái Tết trọn vẹn, thì với lễ tân khách sạn hẳn là không có nghỉ Tết. Đây là chia sẻ của rất nhiều nhân viên lễ tân khi được hỏi về những ngày nghỉ này. Lễ tân không trực tiếp đồng hành cùng những chuyến du lịch nhưng lại đóng vai trò không thể thiếu trong quy trình phục vụ của khách sạn là nơi lưu trú của du khách. Nhân viên lễ tân là người tiếp xúc với khách nhiều nhất, thực hiện các yêu cầu của khách trực tiếp hay gián tiếp, là cầu nối khách hàng với các bộ phận phục vụ, còn giúp tư vấn và liên hệ các dịch vụ như đặt vé xem phim, tham quan, tàu xe, nhà hàng… chỉ sơ qua cũng thấy sự quan trọng của nhân viên lễ tân. Lễ tân luôn phải túc trực, có mặt đầy đủ nên với họ thường là không có nghỉ lễ.

 Công việc lễ tân bận rộn là thế, cũng nhiều áp lực nên đòi hỏi kĩ năng tốt, sự bền bỉ, linh hoạt và nhất là luôn giữ thái độ niềm nở. Các nhân viên lễ tân sẽ phải qua thời gian đầu rất nhiều khó khăn nhưng một trong những khó khăn lớn nhất là phải đi làm cả dịp Tết. Do đặc thù công việc nên Tết cũng như bao ngày khác, lịch làm việc cũng chẳng thay đổi mấy, thậm chí còn tất bật hơn mọi ngày vì khách nước ngoài đến đông hơn, mà nhân viên tại khách sạn lại được nghỉ nhiều. “Có hôm phải tiếp đến hơn 200 khách, đến nửa đêm em mới được về nhà”- chia sẻ của một nữ lễ tân ở quận 1, Tp.HCM. Công việc là vậy nên những khoảng thời gian quây quần bên gia đình, tụ tập bạn bè, đi thăm họ hàng vốn là những điều mà mọi người để dành cho dịp Tết thì nay cũng đã là quá khứ. Một lễ tân trẻ tên Nam ở Hà Nội tâm sự: “Trước đây cứ nghỉ Tết là mình rất hay ngủ nướng, giờ thì phải dậy đi làm lúc 6 rưỡi, trời thì khá lạnh, trên đường phố Hà Nội lại vắng tanh. Tối về nhà rất muộn lại mệt nữa, chỉ muốn đi ngủ ngay. Đôi lúc thấy cũng buồn lắm vì Tết người ta được nghỉ ngơi mà mình lại còn bận hơn người khác. Cũng may bố mẹ hiểu nên động viên cho nhiều”.

Tuy công việc có nhiều khó khăn là thế nhưng những bạn trẻ này vẫn luôn tươi cười, lạc quan, chào đón khách bằng câu “happy new year” thật vui và đầy tinh thần năm mới. Vì hình ảnh đầu tiên tạo ấn tượng về khách sạn vẫn là những gương mặt rạng rỡ của các nhân viên lễ tân bên quầy. Khi được hỏi về mong ước trong năm mới, nhiều bạn khong ngần ngại chia sẻ: “Mình cũng thật mong có ít ngày nghỉ Tết bên gia đình như mọi người”

Tài xế taxi: đón Tết trên những cung đường

Tầm 25, 26 tháng Chạp là thời điểm mà Hà Nội và các thành phố lớn “cháy” xe taxi, trước kia chưa có dịch vụ Uber hay Grab thì đặt xe taxi năm mới quả là khó khăn. Hầu hết tài xế là người ngoại tỉnh nên đã xin nghỉ để về quê, những ai còn ở lại là người có nhà ở thành phố hoặc điều kiện quá khó khăn tranh thủ kiếm thêm dịp Tết, vì chạy xe thời gian này thu nhập gấp nhiều trong năm do nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong khi số xe lại giảm.

Anh Ngọc, một tài xế lâu năm của một hãng xe lớn cho biết: “Tết thì không có chuyện phải rong xe đón khách như trong năm, người xuống người lên luôn, lại thỉnh thoảng được khách lì xì, có nhiều gia đình lên xe cứ tíu ta tíu tít, kể cũng vui. Mình không biết đã đón bao nhiêu Giao thừa trên xe với khách rồi, có lần còn đi cả với khách du lịch Tây trên đường đi Sapa, đang trên đường họ bảo Stop, mình cứ tưởng làm sao, không ngờ họ muốn chụp ảnh pháo hoa, lại còn mở chai champagne mời, mình cũng chả hiểu họ nói gì nhưng cũng làm một ngụm vì họ vui và nhiệt tình quá”. Anh Ngọc cười xòa khi nói về chuyến đi lần đó. Hành khách Tết không chỉ có người Việt mà cũng có rất nhiều khách nước ngoài nữa, vì họ đều muốn trải nghiệm cái Tết ở Việt Nam nên cánh lái xe cũng có nhiều kỉ niệm với các vị khách nước ngoài trong dịp đặc biệt này.

Nghề lái xe taxi là công việc vất vả, trực Tết lại càng mệt mỏi hơn, nếu như các nghề khác có lịch làm việc cụ thể thì với tài xế nhiều khi vừa về nhà ngồi chưa ấm chỗ đã lại có điện thoại đi đón khách, gia đình lo cho các anh thật nhiều. Một tài xế đứng tuổi tên Hùng chia sẻ: “Anh lái taxi cũng năm, sáu năm rồi, bố mẹ anh thì hiểu và thông cảm là anh hay phải chạy dịp Tết để kiếm thêm chút đỉnh. Nhưng hồi anh mới lấy vợ, vợ anh thấy mấy ngày Tết mà hôm nào cũng muộn mới về cũng mặt nặng mày nhẹ ghê lắm, nhưng anh dúi cho phong bao lì xì dày cộp là lại tươi ngay. Qua mấy ngày Tết, lúc khách đã vãn đi rồi, anh chở cả nhà về quê lại mua thêm bao nhiêu là quà, ai cũng vui”.
Với anh em lái xe là vậy nhưng các tài xế nữ thì mang nhiều nỗi niềm hơn, một nữ tài xế bùi ngùi chia sẻ:“Từ khi cầm lái, chẳng giao thừa nào tôi được ở nhà bên lũ trẻ cả”. Cái cảnh Tết nhất mà chỉ được tạt về nhà nhìn qua con cái đang ngủ say rồi ăn tạm bát mì hay gói miếng bánh chưng hoặc nắm xôi đi ăn đường chẳng còn xa lạ gì với các tài xế, nhưng với những người phụ nữ dù đã có thâm niên thì vẫn thật khó khăn. Khi hỏi tết năm nay ra sao, nhiều người chỉ cười buồn: “Vẫn thế mà em, lại khách gọi thì mình lên đường, chị cũng mong có một Giao thừa được ở nhà ăn cơm Tất niên, lì xì cho bọn trẻ”

Đức Anh

Viết đánh giá
Đánh giá bài viết

12345

Ảnh đại diện
Chú ý: Chỉ chấp nhận các dịnh dạng jpg, jpeg, png và dung lượng nhỏ hơn 2Mb