Du lịch Cao Bằng về với khu di tích Pác Bó thiêng liêng
Cao Bằng không chỉ có vô số cảnh đẹp nổi tiếng như Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen… mà còn được biết đến như “cội nguồn cách mạng Việt Nam” với khu di tích Pác Bó. Hãy cùng chúng mình khám phá sơ qua một chút cho đỡ bỡ ngỡ trước khi theo Tour Thác Bản Giốc đến đây nhé!
Tour Thác Bản Giốc - Trà Lĩnh - Tịnh Tây - Trung Quốc 2024
Tour Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm
Tour Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể 3N2Đ Giá Rẻ Dv Tốt 2024
Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc - Thái Nguyên 2 Ngày 2 Đêm
Tour Đông Bắc 5N4Đ - Hà Giang - Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể
Khu di tích Pác Bó ở đâu?
Khu di tích Pác Bó, hay thường được gọi tắt là Pác Bó, là khu di tích lịch sử cách mạng Quốc gia đặc biệt của nước ta, được biết đến như “nguồn cội của cách mạng Việt Nam”. Khu di tích nằm ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Pác Bó trong tiếng Tày – Nùng lại cũng có nghĩa là “đầu nguồn”. Đây cũng là nơi có cột mốc km0 đường Hồ Chí Minh nối liền Bắc – Nam, dự kiến sau 2030 sẽ được nâng cấp thành cao tốc Bắc Nam Việt Nam nhánh Tây.
Di chuyển đến Pác Bó như nào?
Đường lên Cao Bằng hiện nay có 4 tuyến đường Quốc lộ: 3, 4A, 34 và QL4C. Quốc lộ 3 và 4 hiện đã được cải tạo, khá dễ đi nên bạn có thể tự đi bằng xe cá nhân từ Hà Nội đến đây. Tuy nhiên đường Cao Bằng vẫn có đồi núi, đường đèo nên tay lái “cứng” đi thì tốt nhất. Còn nếu không tự tin có thể lái, không có người lái tốt đi cùng thì nên đi xe khách liên tỉnh hoặc ô tô du lịch tour Cao Bằng.
Nếu đi tự túc thì từ thành phố Cao Bằng tới khu di tích Pác Bó tầm 50km. Nếu bạn đi một mình hay ít người thì có thể theo xe buýt Hòa Bình, tầm 30 phút có 1 chuyến. Xe dừng ở điểm cách khu di tích tầm 7km. Sau đó bạn đi xe ôm hay taxi tiếp là đến Pác Bó. Còn nếu đi 1 nhóm nhỏ thì có thể thương lượng thuê xe taxi khứ hồi, đi thẳng từ thành phố Cao Bằng tới Pác Bó. Nếu chia tiền ra với nhau thì cũng tầm ngang đi buýt 2 chiều.
Tự lái ô tô, xe máy
Nếu tự đi bằng xe máy, ô tô, bạn có thể đi theo 3 hướng sau:
- Hà Nội => QL 4 => Lạng Sơn => Đông Khê, Thất Khê => Cao Bằng. Đi hướng này bạn có thể ghé qua tham quan Đền Mẫu Đồng Đăng hoặc một số điểm ở Lạng Sơn khác.
- Hà Nội => QL 3 => Thái Nguyên => Bắc Kạn. Đi theo hướng này bạn có thể kết hợp tham quan Thái Nguyên hoặc đi Hồ Ba Bể Bắc Kạn.
- Nếu đi du lịch Hà Giang trước thì đi qua Đồng Văn => Mèo Vạc => dọc QL 4C => QL34 => Phố Kim Đồng (Hợp Giang) => Cao Bằng. Cách khác là vẫn đi QL 4C => QL 34 => thị trấn Bảo Lạc => Lương Can => Pác Bó Cao Bằng.
Đi xe khách Cao Bằng
Nếu tìm xe khách từ Hà Nội bạn có thể chọn xe giường nằm đi Cao Bằng, chạy hàng ngày từ bến Mỹ Đình, đi tầm 8 tiếng là tới thành phố Cao Bằng. Từ đây bạn có thể thuê xe máy, xe ôm và tiếp tục khám phá Cao Bằng, đi đến Pác Bó.
Đi theo tour thác Bản Giốc
Pác Bó là điểm đến không thể thiếu trong mỗi tour thác Bản Giốc từ Hà Nội, tour Ba Bể Bản Giốc hay các Tour Đông Bắc. Vậy nên bạn có thể chọn tour nào cũng được, miễn là phù hợp với thời gian của bạn như đi 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm hay 5 ngày 4 đêm… Đi theo tour như vậy thì bạn sẽ được lo hết từ nơi ăn chốn ở cho đến nơi tham quan. Bạn chỉ việc xách vali đi theo thôi không phải lo lắng việc di chuyển như nào, ăn ở đâu, chỗ ở ra sao…. Mọi chi phí đều ghi trong đơn giá tour rồi, kể cả chi phí không bao gồm cũng có mức cho bạn áng chừng được nên theo tour cũng khá thoải mái.
Đến khu di tích Pác Bó tham quan những gì?
Cả khu di tích Pác Bó khá rộng, có đến 3 cụm di tích (cụm di tích đầu nguồn, cụm di tích Khuổi Nặm và cụm di tích Kim Đồng) và một số điểm lưu niệm khác nên khách du lịch Bắc Kạn ít thời gian thường chỉ đi cụm di tích đầu nguồn là đã tốn kha khá thời gian rồi. Trong bài viết kinh nghiệm này, Kỳ Nghỉ Đông Dương chúng mình sẽ chủ yếu nói về các điểm ở cụm di tích đầu nguồn, còn các cụm khác nói sơ qua thôi nhé!
Sau khi vào cổng di tích, bạn mua vé vào cổng giá 20.000đ rồi mua thêm vé xe điện khứ hồi 20.000đ nữa vì từ cổng vào đến khu di tích phải đến 3km nữa nên mua vé xe điện đi cho đỡ cực nha. Vào đến nơi kiểu gì bạn cũng phải đi bộ khá nhiều nữa nên đoạn đầu cứ đi xe điện cho nhanh nhé.
Cột mốc km0 đường Hồ Chí Minh
Điểm đầu tiên ở khu di tích mà xe điện sẽ thả bạn xuống là khu trưng bày và đền thờ Bác Hồ. Đối diện đó là cột mốc km0 đường Hồ Chí Minh. Nếu muốn hiểu thêm về khu di tích bạn có thể dừng lại tại khu trưng bày một lúc, sau đó sang cột mốc km0 check-in rồi đi tiếp, còn không thì cứ theo xe điện đi tiếp vào khu trung tâm di tích vì từ đó vào tới suối Lê-Nin tầm gần 1 cây số nữa cơ.
Đền thờ Bác Hồ
Suối Lê-Nin
Đây là điểm đầu tiên khách tour du lịch Cao Bằng ấn tượng ngay khi đặt chân tới di tích Pác Bó. Hãy nhớ đoạn này cũng là điểm xe điện đón khách về nên sau khi tham quan bạn vẫn phải vòng về trạm soát vé ở đây nhé.
Điểm bắt đầu tham quan suối Lê-Nin - sân xe điện thả khách
Ngay phía trên đoạn suối có dòng chữ “suối Lê-Nin” này là núi Các-Mác. Đây là những cái tên mà Bác Hồ đặt để thể hiện tư tưởng và đường lối cách mạng của Bác trong hành trình kháng chiến dành độc lập cho dân tộc. Núi Các-Mác trước đây được người dân gọi là núi Phia Tào (núi Đào).
Còn dòng suối Lê-Nin thì được người dân tộc gọi là Khuổi Giàng, nghĩa là Suối Trời. Phải nhắc bạn trước một chút, nếu bạn đã từng nhìn thấy hình ảnh dòng suối Lê-Nin trong vắt, xanh thẳm mà đến nơi lại thấy màu nước ở đây xanh đậm, thậm chí hơi đục thì đừng vội thất vọng nhé. Vì đây chưa phải đầu nguồn suối Lê-Nin đâu!
Ngoài ra, nếu đi vào mùa mưa bão thì nước ở đây chắc chắn đục luôn, còn mùa cạn sẽ trong hơn, lên đến đầu nguồn thì càng trong và có màu xanh cực đẹp nữa.
Đầu nguồn suối Lê-Nin
Trừ lán Khuổi Nặm và cột mốc 108 ra thì hành trình thực tế đều nằm dọc con suối này nên bạn cứ đi tiếp nhé. Càng đi, bạn sẽ càng thấy nơi này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn cực kỳ thơ mộng, lãng mạn đấy! Dọc đường đi, bạn sẽ như được trở về quá khứ với những thước phim tươi đẹp về Bác khi ở đây, bên này là cây ổi Bác từng lấy lá đun nước uống, bên kia là vườn trúc mà bác trồng…
Khách tour du lịch thác Bản Giốc trên đường dọc con suối này sẽ bắt gặp cả nơi Bác Hồ thường câu cá (đều có biển chỉ dẫn nên bạn cứ yên tâm mà khám phá nhé), đi tiếp lên hang Cốc Bó, di tích nền nhà ông Lý Quốc Súng, quay xuống đi về đầu nguồn suối Lê-Nin rồi vòng về đường ra.
Bàn đá Bác Hồ làm việc
Tới đầu nguồn, bạn sẽ thấy chiếc “bàn đá” nổi tiếng của Bác – nơi Bác đã viết nên những vần thơ:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Đầu nguồn suối Lê-Nin cũng là nơi có màu nước trong nhất, đẹp nhất, xanh nhất và thơ mộng nhất ở đây. Dù đi hơi xa nhưng cực kỳ đáng để thưởng thức đấy, bạn đừng bỏ lỡ cảnh đẹp này nhé!
Hang Cốc Bó
Một điều khá nhiều người thường nhầm về hang này, hay gọi là hang Pác Bó hay di tích hang Pác Bó. Thật ra hang động này tên là Cốc Bó, còn khu di tích này nằm ở bản Pác Bó nên gọi vậy, đừng nhầm nhé!
Cửa hang Cốc Bó khá nhỏ và hẹp, lại còn nằm chếch dưới vách đá nên khá khó nhận ra. Trên đầu hang lại có một hốc tròn to có thể nhìn ngay xuống hang, đừng nhầm đây là cửa vào nhé!
Hốc nhìn xuống hang Cốc Bó
Lòng hang Cốc Bó khá nhỏ, chỉ tầm 15m2 mà thôi. Đi sâu vào trong, khách du lịch Cao Bằng sẽ thấy di tích chiếc “giường” của Bác trên 4 trụ đá, bếp lửa bác thường đun nước và khối thạch nhũ được gọi là tượng Các-Mác.
Đến đây bạn sẽ được nghe kể về những tháng ngày lịch sử, cũng như việc hang này đã từng rất sâu nhưng trong chiến tranh phía Bắc đã bị quân đội Trung Quốc dùng mìn phá hủy. Di tích ngày nay chỉ còn khôi phục được một phần.
Nền nhà ông Lý Quốc Súng
Sau khi ra khỏi hang Cốc Bó, trở ra suối Lê-Nin, du khách tour thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm sẽ bắt gặp một đường ngách rẽ sang di tích nền nhà ông Lý Quốc Súng.
Ông Lý Quốc Súng còn được gọi là Máy Lì, người ở Cọt Mà, huyện Tịnh Tây, Trung Quốc, cách cột mốc 108 tầm 5km nhưng định cư ở Pác Bó. Nhà ông thường được cán bộ ở lại, Bác Hồ cũng đã từng làm việc ở đây, trở thành cơ sở cách mạng nhưng do đoàn cán bộ đông người nên được ít hôm thì Bác chuyển sang hang Cốc Bó ở.
Do chiến tranh tàn phá cùng sự bào mòn của thời gian nên địa điểm này bây giờ chỉ còn là khu đất cỏ cây mọc um tùm, bên cạnh có biển ghi thông tin di tích.
Một số điểm di tích khác ở cụm di tích đầu nguồn
Tham quan những điểm phía trên cũng đã tốn kha khá thời gian và mỏi chân rồi. Tuy nhiên khu di tích này vẫn chưa hết đâu nhé! Dưới đây là một số điểm tham quan khách tour Cao Bằng có thể ghé qua nếu còn sức và còn thời gian:
Cột mốc 108 (hiện nay là mốc 675)
- Hang Lũng Nạn: Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong tầm cuối tháng 3/1941.
- Hang Ngườm Vải: năm 1941 Bác đã trực tiếp hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng.
- Nền nhà ông La Thanh: cơ sở cách mạng quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ở đây, đại biểu toàn quốc đã về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hiện tại nơi này cũng chỉ còn nền nhà như di tích nền nhà ông Lý Quốc Súng.
- Cột mốc 108: hiện nay là mốc 675, là một trong 314 mốc biên giới Việt – Trung trước đây. Cột mốc được làm bằng đá tảng nguyên khối, cao tầm 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Pháp và tiếng Trung.
Chú ý gì khi du lịch Cao Bằng đến Pác Bó?
Để tránh trơn trượt khi leo trèo, bạn nên đi giày thể thao hoặc giày leo núi nhé!
- Vì đây là khu di tích lịch sử cũng như có cảnh quan thiên nhiên trong lành nên khi tham quan bạn đừng vứt rác bừa bãi. Nếu ăn uống trong quá trình đi thì hãy vứt rác đúng nơi được chỉ định hoặc cầm theo đến khi thấy có thùng rác nhé!
- Nếu trời mưa hoặc thời tiết không tốt thì hãy cân nhắc du lịch Cao Bằng đến Pác Bó nhé vì bạn phải đi lại nhiều mà mưa thì sẽ dễ trơn trượt lắm đấy!
- Đừng tự ý sờ vào những hiện vật không cho phép chạm vào bạn nhé! Tránh việc làm bào mòn, hư hỏng chứng tích còn sót lại của lịch sử.
- Vì đi lại nhiều nên bạn mang giày thể thao hoặc giày đế mềm, đừng đi dép hay giày cao gót nhỡ trơn trượt hay dễ đau chân nhé!
Nhiều người nghĩ khu di tích lịch sử sẽ khá nhàm chán và không có gì tham quan. Vậy hãy nán lại thử đến đây một lần nhé! Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được tinh thần hào hùng của cách mạng khi xưa, cũng như say lòng trước thiên nhiên nơi đây. Hy vọng bạn sẽ có chuyến tham quan trải nghiệm tốt hơn với những chia sẻ của Kỳ Nghỉ Đông Dương!
Ngọc Thúy